Khảo sát địa chất nhà ở – Công tác chuẩn bị quan trọng trước khi xây nhà

Cách đây hơn 10 năm, tại xã Bà Điểm, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, đã có một vụ sập cả 2 căn nhà cao tầng. Các cơ quan chức năng khẳng định, ba nguyên nhân chính dẫn đến căn nhà 8 tầng của bà Võ Thị Liên bị sập là: móng nền không đúng tiêu chuẩn, vật liệu xây dựng bị đánh cắp, không đủ chất lượng và xây quá số tầng quy định.

Mặc dù vụ việc có sự sai phạm đến từ chủ dự án, nhưng như bạn vừa đọc qua ở trên, trong đó có một nguyên nhân gây sụp đổ nhà chính: Do sử dụng kết cấu móng không phù hợp với quy mô công trình.

Vậy thì làm sao để nhận biết được nền đất mà bạn định xây nhà có đảm bảo được chất lượng không, có thể xây thêm tầng sau này không? Đơn giản thôi, hãy tiến hành khảo sát địa chất nhà ở! Đây là công tác nên tiến hành trước khi bắt đầu thiết kế nền móng công trình.

Cùng tôi đọc bài viết này để có cái nhìn khái quát về khảo sát địa chất công trình bạn nhé.

Khảo sát địa chất nhà ở (công trình) là gì?

Trong bài viết kinh nghiệm xây nhà tôi có nói qua về khái niệm của khảo sát địa chất nhà ở. Đây là một công tác nghiên cứu, đánh giá điều kiện địa chất công trình tại địa điểm xây dựng nhằm xác định cấu trúc nền đất, tính chất cơ lý của các lớp đất nền, điều kiện nước dưới đất và các tai biến địa chất có khả năng xảy ra… nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch, thiết kế và xử lý nền móng.

Quy định pháp luật về khảo sát địa chất nhà ở

Theo Thông tư 10/2014/TT-BXD, Chương II, Điều 5 quy định về việc Khảo sát xây dựng nhà ở, thì tùy theo quy mô nhà ở, việc khảo sát xây dựng thực hiện theo các quy định sau:

1. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, từ 2 tầng trở xuống, chủ nhà tự thực hiện khảo sát xây dựng nếu có kinh nghiệm thực hiện công việc tương tự và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng khảo sát nhằm đảm bảo an toàn công trình nhà ở và các công trình lân cận.

>> Khuyến khích chủ nhà thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện khảo sát địa chất công trình.

2. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình.

Tại sao nên khảo sát địa chất nhà ở?

Như ở đầu bài các bạn vừa đọc qua, khảo sát địa chất nhà ở sẽ giúp bạn:

  • Nắm được thông tin về điều kiện địa chất công trình của nơi bạn muốn xây.
  • Đánh giá được mức độ thích hợp của địa điểm và môi trường đối với các công trình dự kiến xây dựng.
  • Dự đoán các hiện tượng địa chất phức tạp có thể xảy ra khi thi công và khai thác công trình, từ đó đề xuất biện pháp thi công hữu hiệu, và cho ra những giải pháp móng thích hợp.
  • Thậm chí, khảo sát địa chất nhà ở còn giúp bạn xác định các biến đổi của môi trường địa chất do hoạt động kinh tế – công trình của con người, cũng như ảnh hưởng tốt/xấu của các biến đổi đó đối với bản thân công trình và công trình lân cận.
  • Đánh giá mức độ an toàn của các công trình đang tồn tại, thiết kế cải tạo nâng cấp công trình hiện có và nghiên cứu những trường hợp đã xảy ra gây hư hỏng công trình.
khảo sát địa chất nhà ở
Khảo sát địa chất nhà ở là một khoản đầu tư cho sự an toàn.

Tất cả những điều trên đều như một “khoản đầu tư” cho tương lai an toàn của bạn, vì những tình trạng sụt lún hay thậm chí là sụp đổ nhà sẽ rất khó xảy ra. Bạn cũng sẽ không mất thêm các khoản tiền tu sửa nhà vì những lỗi công trình (như tường bị nứt) do nền đất gây ra.

Khảo sát địa chất cũng giúp bạn biết được liệu sau này bạn muốn xây thêm tầng có được không, và nếu được thì bao nhiêu tầng. Ngoài ra, hồ sơ khảo sát địa chất công trình có thể chia sẻ cho bất cứ ai có ý định xây nhà trong khu vực nhà bạn, từ đó việc triển khai xây dựng sẽ an toàn hơn cho cả bạn và họ.

Nội dung của khảo sát địa chất nhà ở

1. Việc khảo sát được tiến hành ở đâu?

Bạn khảo sát địa chất mảnh đất của bạn, nên tất nhiên nó phải tiến hành trên đất của bạn rồi! Cụ thể, việc khảo sát sẽ tiến hành ở nơi xây dựng công trình, nơi bố trí các công trình quan trọng và nơi đặt móng.

2. Các phương pháp khảo sát địa chất

  • Đo vẽ bản đồ địa chất công trình
  • Khoan đào thăm dò
  • Đo địa vật lý trong lỗ khoan, trên bề mặt địa hình
  • Trên bề mặt địa hình
  • Thí nghiệm trong phòng trên các mẫu đã chọn
  • Thí nghiệm ngoài trời về địa chất công trình và địa chất thủy văn

3. Các công tác chính trong khảo sát địa chất

  • Khoan khảo sát hiện trường

Bao gồm: Khoan, đào, xuyên tĩnh, xuyên động, địa vật lý, nén tĩnh, nén ngang, cắt cánh…

Mục đích: Nghiên cứu, đánh giá điều kiện địa chất công trình tại địa điểm xây dựng nhằm xác định cấu trúc nền đất, tính chất cơ lý của các lớp đất nền, điều kiện nước dưới đất và các tai biến địa chất có khả năng xảy ra… nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch, thiết kế và xử lý nền móng.

  • Lấy mẫu đất

Sau khi mẫu được lấy lên từ hố khoan, mẫu được mô tả sơ bộ, đổ paraffin vào hai đầu ống mẫu, dán nhãn và bảo quản cẩn thận, sau đó nhanh chóng vận chuyển về phòng thí nghiệm. Thời gian bảo quản ngoài công trường không quá 48 giờ kể từ lúc lấy mẫu lên.

Nội dung ghi trên nhãn mẫu bao gồm: tên công trình, số hiệu lỗ khoan, độ sâu lấy mẫu, ngày lấy mẫu và mô tả sơ bộ tên đất, màu sắc, trạng thái và thông tin khác.

  • Thí nghiệm hiện trường khảo sát địa chất

Trong nhiều trường hợp không thể lấy mẫu nguyên dạng đối với mẫu đất sét yếu trạng thái chảy, đất cát hạt nhỏ bão hòa nước. Do đó để thu thập những số liệu tin cậy hơn, phản ánh tính chất xây dựng của nền đất trong trạng thái tự nhiên của nó, thường tiến hành các thí nghiệm hiện trường như Thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn SPT.

Thí nghiệm hiện trường sẽ kết hợp với cả thí nghiệm trong phòng để phân loại đất chính xác hơn.

  • Thí nghiệm trong phòng

Thí nghiệm trong phòng nhằm mục đích xác định các tính chất cơ lý của đất đá dựa theo các tiêu chuẩn cụ thể, từ đó phân loại đất đá, đánh giá trạng thái, khả năng chịu lực của đất đá và ứng dụng rộng rãi trong tính toán thiết kế nền móng công trình.

Kết luận, khảo sát địa chất nhà ở thực sự là một việc quan trọng, và chắc chắn chỉ với việc đọc bài viết này, bạn KHÔNG THỂ tự mình tiến hành khảo sát địa chất được. Bạn vẫn nên thuê các đơn vị khảo sát địa chất uy tín, như CityA Homes chẳng hạn. Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ bạn!

Như vậy, sau khi khảo sát địa chất xong, có thể bạn sẽ thắc mắc rằng “Ok xong, mảnh đất này xài được. Vậy thì, tôi nên xây nhà vào thời điểm nào thì hợp lý?” Để trả lời câu hỏi đó, mời bạn đọc tiếp bài viết này nhé.

Nếu bạn có thắc mắc hay có vấn đề cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ trực tiếp với CityA Homes thông qua các kênh sau:

  • Hotline: 0905 389 389
  • Email: cityahomes.vn@gmail.com

CityA Homes hiện đang có chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng thiết kế nhà Đà Nẵng. CityA Homes sẽ hỗ trợ quý khách 24/24h với cam kết chất lượng tốt nhất!

5/5 - (1 vote)
0905 389 389